Phát hiện loại enzyme có thể phá vỡ các ống nano cacbon

Công nghệ nano dần xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống con người. Bên cạnh một số tiềm năng hữu ích như phân phối thuốc chữa bệnh trong cơ thể và chống chọi ung thư thì vẫn còn một số tác nhân liên quan đến sức khỏe như gây độc tố và tổn hại đến mô. Gần đây, một nhóm các nhà khoa học đã cho thấy các ống nano cacbon có thể bị phá vỡ bởi một loại enzyme tìm thấy trong tế bào bạch huyết (tế bào T - bạch cầu). Phát hiện này đã đi ngược lại những hiểu biết trước đây về ống nano cacbon khi cho rằng chúng không thể bị phá hủy trong cơ thể hoặc ngoài tự nhiên.

Ống nano cacbon là những phân tử cacbon hình trụ, cuộn thành ống với đường kính chỉ xấp xỉ vài nanomet (1 nanomet = 1 phần tỉ met) và có độ dài đo được từ 10 nanomet đến vài micromet. Chúng nhẹ hơn, cứng hơn thép và có đặc tính dẫn nhiệt, dẫn điện khác thường, do đó, ống nano cacbon thường được sử dụng trong kỹ thuật xây dựng, điện tử và trong tương lai là các ngành công nghiệp như kiến trúc, không gian và tự động.

Ngoài ra, ống nano cacbon còn có tiềm năng trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trên chuột cho thấy chúng có thể gây suy giảm chức năng phổi và thậm chí ung thư.

Từ trước đến nay, mọi người vẫn tin rằng ống nano cacbon rất bền sinh học hay không thể bị phá hủy trong mô cơ thể người hoặc ngoài môi trường tự nhiên. Các nhà khoa học đã so sánh ống nano cacbon giống với sợi amiăng vốn rất bền và có khả năng gây ung thư phổi (u trung tiểu mô). Loại enzyme được phát hiện trong nghiên cứu trên là enzyme myeloperoxidase (MPO) - một loại enzyme thực vật hiện hữu phần lớn trong bạch cầu hạt trung tính có chức năng làm vô hiệu hóa các vi khuẩn gây hại.

Nghiên cứu trên là một phần của dự án NANOMMUNE được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc viện Karolinska Institutet tại Thụy Điển; đại học Pittsburgh, bang Pennsylvania và viện an toàn sức khỏe lao động quốc gia, Hoa Kì. Những phát hiện cho thấy MPO cũng có thể phân hủy ống nano cacbon thành nước và CO2. Các triệu chứng viêm trên chuột cũng không còn xảy ra nữa. Vì vậy, các nhà khoa học hy vọng kiến thức mới về cách enzyme MPO chuyển đổi sang nước và CO2 sẽ là một phát hiện đầy ý nghĩa trong y học.

[RIGHT]Theo cyberchemvn.comNguồn: Gizmag[/RIGHT]